Dạy lặn biển ở Trường Sa
Giữa mênh mông biển trời Trường Sa, những huấn luyện viên (HLV) lặn biển từ TP. Nha Trang đã có những trải nghiệm để đời khi được thực hiện công việc yêu thích nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Để rồi, niềm cảm xúc và kỷ niệm về Trường Sa luôn đong đầy trong trái tim mỗi người.
1. “Vui và tự hào lắm! Hơn 20 năm hành nghề HLV lặn biển, tôi đi dạy cho học viên ở nhiều vùng biển trong nước và quốc tế, nhưng không thể ngờ có một ngày được ra quần đảo Trường Sa để thực hiện công việc yêu thích. Mỗi lần nhắc lại chuyến đi đó, tôi đều cảm thấy lâng lâng về những trải nghiệm tuyệt vời ở Trường Sa”, anh Lê Hải Hưng – HLV của Trung tâm Lặn biển Seacoral chia sẻ cảm xúc khi nói về khoảng thời gian được ra quần đảo Trường Sa dạy lặn biển. Nơi anh Hưng và các đồng nghiệp đến là đảo Đá Tây A – một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Theo lời anh Hưng, khi đến đảo Đá Tây A, nhóm HLV lặn biển đều ấn tượng mạnh trước khung cảnh những mái nhà dân nằm san sát bên nhau giữa trùng khơi; những công trình dân sinh như: Bến tàu, trường học, trạm xá… đều khang trang. Mỗi ngày, tiếng chuông chùa lại ngân nga khắp đảo đem lại cảm giác bình yên giữa sóng gió khơi xa.
Chuyến công tác đặc biệt của anh Hưng cùng các đồng nghiệp đến Trường Sa bắt nguồn từ sự hợp tác giữa Trung tâm Lặn biển Seacoral, thuộc Công ty TNHH Quảng cáo – Sự kiện và Du lịch Tín Đạt (Nha Trang) với Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (TP. Hồ Chí Minh) – đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A. Thông qua sự hợp tác, đội ngũ nhân viên đang làm việc ở đảo Đá Tây A, cũng như trên tàu của công ty được các HLV trang bị thêm kỹ năng lặn biển và xử lý những tình huống ở dưới lòng biển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc Trung tâm Lặn biển Seacoral, đây là lần đầu trung tâm đưa HLV lặn biển ra Trường Sa dạy các kỹ năng cho những người làm việc, công tác ở đảo Đá Tây A. Trong 10 ngày (từ 15 đến 25-8-2023), các HLV cố gắng truyền dạy những kiến thức cần thiết nhất khi lặn biển, như: Cách sử dụng các trang thiết bị lặn biển; những đặc điểm của thế giới trong lòng đại dương; các kỹ thuật lặn biển, cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp khi ở trong lòng biển; cách làm quen và cảm nhận các điều kiện của môi trường lặn biển; những vấn đề khó khăn người lặn biển có thể gặp phải… Mỗi học viên vốn đã quen với môi trường sóng gió biển khơi, nhưng khi được tiếp nhận những kiến thức bài bản giúp họ thêm vững tin khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong lòng biển Trường Sa. Với anh em HLV, ngoài những giờ phút thực hiện công việc, họ lại ngồi bên nhau cùng ngắm nhìn, cảm nhận về biển đảo Trường Sa thân yêu.
“Đứng trước khung cảnh biển trời Tổ quốc bao la, được ngắm nhìn những công trình phục vụ cho ngư dân bám biển dài ngày, mỗi chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của bao thế hệ để giữ gìn, bảo vệ biển đảo quê hương. Trong những khoảnh khắc như thế, mỗi người đều mong muốn được làm nhiều việc có ý nghĩa hơn đối với cuộc sống”
SeaCoral Việt Nam
2. Nếu đảo Trường Sa được những người đi biển ví là “thủ đô” của đảo nổi và cả quần đảo Trường Sa thì đảo Đá Tây với 4 đảo nhỏ riêng biệt được xem là trung tâm của hệ thống đảo chìm. Trong đó, đảo Đá Tây A được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cụm dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích khoảng 3.000m2. Từ nhiều năm nay, nơi đây trở thành điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khi cung cấp đầy đủ nước ngọt, dầu diezel, thực phẩm, thu mua hải sản… Mỗi khi có sóng to, biển động, âu tàu đảo Đá Tây A lại trở thành điểm đến an toàn cho tàu cá của ngư dân vào tránh trú. Đặc biệt, đảo Đá Tây A còn có cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học biển.
Riêng với những HLV lặn biển, điều hấp dẫn ở đảo Đá Tây A chính là thế giới trong lòng đại dương nơi đây. Mỗi ngày làm nhiệm vụ, các anh đều được đắm mình trong làn nước biển nơi tiền tiêu Tổ quốc. Dưới lòng biển là những rạn san hô và thế giới sinh vật biển phong phú. Có thể, vị trí anh Lê Hải Hưng cùng các đồng nghiệp lặn chưa phải đẹp nhất, nhưng niềm cảm xúc đặc biệt trong các anh đến từ việc được bơi lặn ở Trường Sa. Từ khi chọn con đường trở thành HLV lặn biển chuyên nghiệp, anh Hưng luôn mong muốn được chia sẻ, giới thiệu vẻ đẹp của thế giới đại dương đến du khách và bạn bè muôn phương. Trong suy nghĩ của mình, anh vẫn thầm ước một ngày được đến Trường Sa để có thể tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của vùng biển đảo có vị trí đặc biệt này. “Đứng trước khung cảnh biển trời Tổ quốc bao la, được ngắm nhìn những công trình phục vụ cho ngư dân bám biển dài ngày, mỗi chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của bao thế hệ để giữ gìn, bảo vệ biển đảo quê hương. Trong những khoảnh khắc như thế, mỗi người đều mong muốn được làm nhiều việc có ý nghĩa hơn đối với cuộc sống”, anh Hưng chia sẻ.
Dẫu chỉ thực hiện việc dạy lặn biển ở đảo Đá Tây A trong một thời gian ngắn, nhưng anh Lê Hải Hưng, ông Nguyễn Ngọc Minh cùng các đồng nghiệp đã có một chuyến đi nhiều cảm xúc, đã kịp giữ cho riêng mình nhiều kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu đậm về Trường Sa. Trong thâm tâm mỗi người đều mong muốn có điều kiện trở lại Trường Sa để thực hiện công việc của mình một cách tốt hơn, được trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống nơi đây.
– Theo Báo Khánh Hòa